Thái Nguyên có thêm khu công nghiệp quy mô gần 300 ha, tổng vốn 3.650 tỷ đồng
Fri May 02 21:12:00 GMT+07:00 2025
Tạo đột phá về hạ tầng công nghiệp phía Nam của tỉnh
Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình làm chủ đầu tư - đơn vị đã triển khai Tổ hợp KCN, đô thị và nông nghiệp công nghệ cao Yên Bình hơn 8.000 ha. Với tiến độ thực hiện không quá 24 tháng kể từ khi được giao đất, KCN Yên Bình 2 kỳ vọng sẽ tạo quỹ đất sạch, đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Thái Nguyên.
Dự án được triển khai tại thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình, nằm gần cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, thuận lợi về giao thông, logistic và liên kết vùng. Trong cơ cấu vốn đầu tư, vốn góp của nhà đầu tư là 565 tỷ đồng (chiếm 15,48%), còn lại là vốn huy động.
Phối cảnh một nhà máy trong Khu công nghiệp Yên Bình (ảnh minh họa)
Theo quyết định, chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai đầu tư theo mô hình khu công nghiệp đa ngành, trong đó dành tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp (khoảng 6,14 ha) để bố trí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo và các đối tượng được hưởng ưu đãi theo quy định.
Bên cạnh đó, dự án cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý liên quan đến bảo vệ môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông và pháp luật về thủy lợi… và đảm bảo tiến độ triển khai theo cam kết.
Kết nối với Yên Bình 3 - hình thành cụm công nghiệp liên hoàn
Đáng chú ý, đầu năm 2025, Thái Nguyên cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Yên Bình 3 quy mô tương tự (gần 300 ha) tại huyện Phú Bình, giáp ranh Yên Bình 2. Dự án này do Công ty CP Tập đoàn BMK làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Việc liên tiếp phê duyệt các dự án KCN quy mô lớn như Yên Bình 2 là một bước đi cụ thể trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội giai đoạn 2025–2030.
Hạ tầng KCN Yên Bình 3 đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư
Với vị trí chiến lược, hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, cùng chính sách hỗ trợ đầu tư đồng bộ, Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm công nghiệp - công nghệ cao vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phát triển công nghiệp, trong đó 70% dành cho khu công nghiệp, còn lại là cụm công nghiệp.
Bất động sản công nghiệp là phân khúc duy trì tăng trưởng và dẫn đầu thị trường thời gian qua. Quý I, giá thuê đất công nghiệp tại phía Bắc đạt trung bình 139 USD mỗi m2 cho kỳ hạn thuê, tăng gần 4% so cùng kỳ năm ngoái, theo CBRE.
KCN Yên Bình 2 thuận lợi về giao thông, kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Nội Bài và các cửa khẩu
Dù có quý đầu năm khả quan, thị trường bất động sản công nghiệp có thể đối diện với nhiều thách thức khi Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam thời gian tới (thuế này tạm hoãn trong 90 ngày). Nhiều chuyên gia dự báo sắc thuế nếu áp dụng sẽ gây tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong ngắn hạn.
Hiện Thái Nguyên có 6 KCN lớn, trong đó, 5 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao, cụ thể: KCN Điềm Thụy thu hút 108 dự án, tỷ lệ lấp đầy 100%; KCN Yên Bình thu hút 56 dự án, tỷ lệ lấp đầy 100%; KCN Sông Công 1 thu hút 101 dự án, tỷ lệ lấp đầy 64%; KCN Sông Công 2, giai đoạn 1 thu hút 38 dự án, tỷ lệ lấp đầy 100%; KCN Nam Phổ Yên (khu A, C) thu hút 15 dự án, tỷ lệ lấp đầy 75,5%. Như vậy, tính đến thời điểm đầu năm 2025, các KCN của tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 318 dự án đầu tư. Trong đó, 178 dự án FDI, với số vốn đăng ký đầu tư trên 10,6 tỷ USD và 140 dự án DDI, với số vốn đăng ký đầu tư trên 22,5 nghìn tỷ đồng.
|
thainguyen.gov.vn